Voi là động vật rất quen thuộc và gần gũi với người dân Tây Nguyên, voi không chỉ là động vật giúp sức trong lao động mà chúng còn được xem là thành viên trong mỗi gia đình. Vì vậy mà lễ hội đua voi lại càng được xem trọng hơn cả. Ngay sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi nét về ý nghĩa và những hoạt động thú vị của ngày lễ lớn này nhé!
Lễ hội đua voi là gì?
Lễ hội đua voi là một trong những lễ hội quan trọng trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của người vùng cao Tây Nguyên Việt Nam. Hội Đua Voi là một trong những hội của văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Lễ hội đua voi nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Xem thêm: Lễ hội Xăng Khan
Ngoài ra, du khách đến đây cũng được thưởng thức ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên tại chỗ và được cưỡi voi tham quan buôn làng, trải nghiệm với hành trình cưỡi Voi lội sông Sêrêpốk tham quan Rừng Yok Don. Được tổ chức ở vùng Đắk Lắk. Một trong những lễ hội được xem là độc đáo nhất của nước Việt Nam ta.
Lễ hội đua voi được tổ chức vào thời gian nào?
Hội đua voi ở Tây Nguyên thường được tổ chức 2 năm một lần. Đây là dịp để quy tụ, tôn vinh trí tuệ, sức mạnh, sự khéo léo của những nhà thuần dưỡng voi người dân M’Nông. Lễ hội thường được tổ chức tại Buôn Đôn, Đắk Lắk. Đây là nơi được mệnh danh là thủ phủ của loài voi.
Tháng 3 cũng là thời điểm các vụ mùa ở Tây Nguyên đã được thu hoạch xong. Lúc này người dân có nhiều thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị cho vụ mùa mới sắp tới. Vậy nên tổ chức lễ hội vào dịp này được coi như mình hình thức ăn mừng, cầu bình an; đem đến những may mắn, mùa màng bội thu trong năm mới. Đây cũng là thời gian rất thích hợp để đi du lịch tại khu vực Tây Nguyên vì thời tiết mát mẻ, không có mưa, nắng không quá gắt rất thuận tiện cho việc di chuyển đi lại, nhất là cho khách du lịch.
Đến Buôn Đôn vào những ngày đầu tháng Ba (âm lịch), du khách sẽ bắt gặp sự nhộn nhịp, náo nức của người dân diễn ra khắp các buôn làng. Những chàng quản tượng đưa voi đến vùng cỏ xanh để chăm sóc, trong khi đó những cô gái Buôn Đôn sắm sửa lễ vật để thực hiện nghi lễ trong các lễ hội truyền thống cùng diễn ra với lễ hội đua voi.
Những nét đặc sặc của lễ hội đua voi
Những con voi được lựa chọn để tham gia lễ hội phải là những con voi thật khỏe mạnh, dẻo dai và thông minh. Mỗi một lần tổ chức Lễ hội đua voi chỉ có khoảng 20- 30 con voi được lựa chọn đủ tiêu chuẩn tham gia. Chính vì thế, quá trình chăm sóc, chuẩn bị của người huấn luyện voi rất công phu. Nó đòi hỏi nhiều thời gian và khá tốn kém.
Trước ngày thi đấu, voi sẽ được tắm rửa sạch sẽ. Chúng được cho ăn những loại cỏ xanh tươi hoặc mía. Chúng cũng được huấn luyện thêm một số bài để tham gia các hoạt động trong lễ hội. Cụ thể gồm: Lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ ăn mừng mùa màng, các trò chơi thi voi đá bóng, thi voi chạy, thi voi bơi, cuối cùng là lễ tắm voi sau khi kết thúc lễ hội.
Xem thêm: Lễ hội Phủ Dầy
Trong ngày thi đấu, trước giờ khai cuộc, voi sẽ được già làng thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe. Sau đó, mọi người cùng ca hát, nhảy múa để chính thức bước vào lễ hội.
Địa điểm được chọn để đua voi trong lễ hội là một bãi đất trống bằng phẳng. Bãi đất phải đủ cho 5 – 10 con voi lớn đứng giàn thành hàng ngang cùng tham gia. Trên lưng voi là hai chàng quản tượng có nhiệm vụ điều khiển voi. Người ngồi trước tiếng M’nông gọi là mơ-gát. Họ có nhiệm vụ điều khiển voi đi đúng đường đua bằng một thanh sắt (kreo) dài khoảng 1 mét. Người ngồi sau là man-gát với chiếc búa gỗ (kốc). Họ nện mạnh vào mông voi để tăng tốc về vạch đích đến.
Sau một hồi tù hiệu lệnh vang lên; đàn voi đua thường phóng nhanh về phía trước một cách thật dũng mãnh. Những bước chạy của đàn voi nghe rầm rập làm rung động cả đường đua. Trong cuộc đua đàn voi không chỉ thể hiện sức bền khi chạy trên đường thẳng, mà còn có sự linh hoạt, khôn khéo khi đi trên những đoạn đường dốc, quanh co hoặc bơi qua những đoạn sông lớn…
Để voi thực hiện được những thử thách ấy, cả hai người mơ – gát và man – gát điều khiển phải có tài huấn luyện một cách thuần thục. Họ cũng cần có sự phối hợp thật ăn ý, nhịp nhàng nhuần nhuyễn với nhau mới hy vọng có kết quả tốt nhất.
Ý nghĩa hội đua voi Tây Nguyên mang nhiều giá trị tốt đẹp về tương lai, về những hy vọng với một cuộc sống no ấm, hạnh phúc đầy đủ hơn cho tất cả mọi người. Hy vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích cho bạn về lễ hội đua voi ở Tây Nguyên!