Lễ hội Cầu Ngư là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của các làng chài ven biển. Lễ hội với các nghi lễ đặc sắc cùng loại hình diễn xướng dân gian phong phú vừa giúp ngư dân bày tỏ lòng thành kính dành cho Cá Ông, vừa góp phần đưa nét đẹp của văn hóa địa phương đến gần hơn với mọi người. Hãy cùng khám phá lễ hội đặc biệt qua bài viết dưới đây nhé!
Lễ hội cầu ngư là gì?
Lễ hội Cầu Ngư xuất hiện từ bao giờ vốn dĩ chẳng ai biết, mọi người chỉ biết rằng đây là lễ hội mang đậm đà nét đẹp văn hóa dân gian, đồng thời là ‘món ăn tinh thần’ không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của ngư dân – những người gắn chặt cuộc đời mình với biển khơi mênh mông cùng những tháng ngày rong ruổi lênh đênh sống nhờ nguồn tôm cá dồi dào.
Xem thêm: Lễ hội người chết ở Mexico
Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân sống tại các tỉnh ven biển nước ta, trải dài từ Quảng Bình trở vào Nam và bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc xinh đẹp. Tuy nhiên, nơi mà tổ chức Lễ hội Cầu Ngư nổi tiếng nhất với những hoạt động thú vị đặc sắc lại chẳng nơi đâu bì bằng vùng đất Phú Yên hoa vàng cỏ xanh với cảnh sắc thiên nhiên, non nước hữu tình.
Nguồn gốc của lễ hội cầu ngư
Thật ra, Lễ hội Cầu Ngư đã xuất hiện từ xưa cùng với phong tục thờ cúng tín ngưỡng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt xưa, đặc biệt là những ngư dân sống nương nhờ nguồn cá tôm dồi dào của biển khơi mênh mông.
Đối với ngư dân, Cá Ông luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Vốn dĩ đây là cái tên đầy tôn kính và trân trọng mà ngư dân dùng để gọi cá voi – loài cá thường xuất hiện để giúp đỡ con người trong những lúc ngặt nghèo khi lênh đênh trên biển cả, đặc biệt là những ai quanh năm gắn liền với nghề biển luôn ẩn chứa hiểm nguy rình rập.
Chính bởi thế nên cứ vào độ từ tháng Giêng đến tháng Sáu âm lịch hàng năm, ngư dân sinh sống tại các làng ven biển, ven đầm ở Phú Yên lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội vừa là một nét đẹp, một phong tục trong đời sống văn hóa nhằm thể hiện sự biết ơn của ngư dân dành cho Cá Ông, đồng thời là dịp để họ cầu mong, gửi gắm những hy vọng về một năm dong buồm ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền đầy ắp ‘lộc trời’.
Lễ hội cầu ngư được tổ chức như thế nào?
Phần lễ của Lễ hội Cầu Ngư
Trong ngày diễn ra phần lễ của Lễ hội Cầu Ngư, ngư dân sẽ tổ chức một cách trang nghiêm, cung kính với đầy đủ các nghi thức truyền thống, bao gồm múa siêu, nghinh thần, rước sắc, đọc văn tế, v.v.
Tìm hiểu thêm: Lễ hội bà chúa xứ
Lễ rước sắc chính là phần mở đầu của Lễ hội Cầu Ngư. Sau phần này, ngư dân sẽ tiếp tục thực hiện những lễ nghinh thủy, lễ rước hồn ông Nam Hải. Trong suốt buổi lễ, khi chủ tế cúng bái trong khu vực đình thì ở phía ngoài, đoàn hát bả trạo sẽ bắt đầu hát.
Phần hội
Sau khi kết thúc nghi lễ cầu cúng, phần hội trong Lễ hội Cầu Ngư sẽ được bắt đầu với một loạt những trò chơi dân gian và hát tuồng thứ lễ, diễn xướng dân gian, hát bả trạo. Ngoài ra, mọi người còn tổ chức các hoạt động thể thao sôi nổi như đua thuyền, đua sõng, lắc thúng chai, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền, v.v. Tất cả hoạt động này tạo nên bầu không khí lễ hội vừa trang nghiêm nhưng cũng rất sôi động, thú vị.
Lễ hội Cầu Ngư là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của ngư dân sống tại các làng chài ven biển. Nếu có dịp về với đất Phú vào những ngày diễn ra lễ hội, bạn đừng bỏ qua cơ hội được đắm mình trong bầu không khí lễ hội rộn ràng, sôi động này nhé!