Người dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng có rất nhiều lễ hội, phong tục tập quán và lễ tết đậm đà bản sắc dân tộc riêng. Hãy cùng tìm hiểu thêm các lễ hội dân tộc Tày ở bên dưới bài viết.
Các phong tục tập quán, lễ hội dân tộc Tày
Lễ hội dân tộc Tày
Lễ hội Lồng Tồng
Lễ hội Lồng Tồng của người dân tộc Tày đi kèm theo những hoạt động văn hóa, văn nghệ đã thu hút được nhiều sự quan tâm của bà con và khách du lịch.
Ý nghĩa của lễ hội Lồng Tống thể hiện mong muốn của đồng bào Tày về mùa màng tươi tốt, tạo ra thêm nhiều của cải vật chất, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, trong lễ hội cũng là dịp để giao lưu văn hóa giữa các dân tộc khác không riêng đồng bào Tày.
Thông thường lễ hội sẽ được tổ chức ở một bãi đất trống hoặc trên những cánh đồng thu hoạch xong. Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức sau Tết khi kết thúc vụ mùa bội thu. Trong lễ hội sẽ có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: rước rồng, tung còn, múa kỳ lân, sư tử, tranh đầu pháo thăng thiên, hát sli lượn và có các ông tào, đu quay, đẩy gậy giữa các đội ở các thôn, bà then đọc lời cầu nguyện…
Mỗi thôn sẽ cử ra những thôn nữ, trai trẻ trung, khéo tay và khỏe mạnh để tham gia những trò chơi. Người ở ngoài sẽ reo hò, cổ vũ người thi đấu để đem lại vinh quang cho thôn, làng. Tiếp theo lễ hội sẽ là các hội diễn văn nghệ, tiết mục văn nghệ đặc sắc cùng nhau thi tài.
Xuất hiện trong lễ hội là các điệu múa như múa xuống đồng, múa địu, múa thu hoạch, múa lên nương… tất cả các điệu múa được thể hiện uyển chuyển, quyến rũ. Thường những tiết mục ca hát sẽ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước đổi mới, quê hương, những câu hát giao duyên về tình yêu đôi lứa, hẹn hò nghe xao xuyến và bồi hồi. Trong suốt lễ hội diễn ra các cặp trai gái có thể tìm hiểu, làm quen nhau và thử tài qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hẹn hò, tỏ tình trong các buổi chợ phiên.
Lễ hội Thanh Minh
Với bà con dân tộc Tày tết Thanh Minh thể hiện nét văn hóa độc đáo và khá đặc trưng. Bởi người Tày quan niệm rằng tết Thanh Minh là dịp để con cháu phải đi tảo mộ và cầu khấn cho con cháu gặp nhiều điều may mắn, vạn sự hanh thông và đây cũng là dịp để những người đã khuất về gặp mặt con cháu.
Nên vào dịp này dù đang làm ăn hay sinh sống ở đâu trên mọi miền Tổ quốc thì tất cả những người con quê hương sẽ sắp xếp công việc để về trong dịp tết Thanh Minh điều này sẽ tỏ sự hiếu thảo với tổ tiên.
Vào dịp tết Thanh Minh ở tất cả những tuyến đường trong tỉnh nhộn nhịp xe cộ, có nhiều người tấp nập đến nghĩa trang địa phương thắp hương cho ngôi mộ của tổ tiên, ông bà, người thân đã mất để bày tỏ lòng hiếu kính.
Ở những mâm cúng tổ tiên ngày tết Thanh Minh của bà con dân tộc Tày bao gồm thịt lợn, thịt gà, hoa, quả, hương, bánh kẹo, rượu, giấy tiền, xôi nếp đỏ đen (tên tiếng Tày là khẩu nua đăm đeng – món xôi có nhiều màu sắc xanh, đen, đỏ, tím, vàng… thu hút mắt.
Lễ hội tranh đầu pháo
Lễ hội Tranh đầu pháo là lễ hội truyền thống độc đáo với màn tranh pháo hoa đầu xuân của các xã tại thị trấn Quảng Uyên. Lâu dần theo thời gian lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.
Nét văn hóa truyền thống của lễ hội được lưu giữ, truyền qua nhiều thế hệ nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc.
Lễ hội Tranh đầu pháo cũng là biểu tượng của dòng chảy văn hóa truyền thống và có ý nghĩa mong một năm mới phát tài, may mắn, phát lộc.
Có rất nhiều nghi thức được tổ chức trong lễ hội Tranh đầu pháo như: Khai quang mở mắt rồng, lễ khao quân, lễ tế thần, lễ rước thần. Trong đó, trò chơi quan trọng nhất là “Tranh đầu pháo”.
Đầu pháo là một vòng sắt có quấn các tua ngũ sắc đặt lên chòi cao, khi đốt pháo xong đầu pháo rơi xuống các đội đã đăng ký tham gia chơi trước đó sẽ tiến hành tranh cướp. Ai cướp được sẽ đem tế thần và sau đó nhận phần thưởng. Tuy nhiên đến ngày nay tục đốt pháo đã bỏ nhưng người chủ lễ sẽ đứng lên trên cao và tung đầu pháo xuống nơi tổ chức cướp pháo.
Với những người dân địa phương quan niệm trong ngày hội Tranh đầu pháo ai bắt được đầu pháo sẽ có lộc, phát tài và may mắn cả năm.
Các trò chơi dân gian xuất hiện trong lễ hội tranh đầu pháo như: múa kỳ lân,đá bóng, biểu diễn võ dân tộc, cờ tướng, tung còn, múa rồng, hát lượn, chơi đu, triển lãm tranh ảnh… Mỗi năm tại thị trấn Quảng Uyên sẽ tổ chức lễ hội Tranh đầu pháo vào ngày 2/2 âm lịch với mục đích để tưởng nhớ những vị thần linh, anh hùng đã có công với nước ta và đây cũng là hoạt động mở đầu cho một năm mới cầu đến mưa thuận, gió hòa, cầu cho mùa màng bội thu.
Lễ vật để dâng lên tế lễ hội tranh đầu pháo bao gồm: 2 con lợn quay, 1 mâm xôi, 1 mâm trứng nhuộm phẩm đỏ, 1 mâm hoa quả.
Ở phần lễ sẽ diễn ra long trọng cùng 4 đoàn rước kiệu, mỗi kiệu có 4 người khiêng, mặc lễ phục theo đúng quy định của lễ hội. Tiếp đến đi theo sau đoàn rước kiệu là đoàn rước rồng. Khi kết thúc phần làm lễ thắp hương tại miếu đoàn rước rồng sẽ đi đến đền thờ Nùng Trí Cao, đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó đi khắp phố tới từng nhà. Kiệu khi được rước đến đâu cũng được người dân nồng nhiệt tiếp đón.
Các ngày lễ tết
Ngoài những lễ hội truyền thống người dân tộc Tày còn có các ngày lễ tết như:
Tết Đắp Nọi
Tết Đắp Nọi là ngày lễ Tết Nguyên Đán nhỏ giống như cái tết tiễn đưa tháng giêng và thường đồng bào dân tộc Tày sẽ ăn vào cuối tháng giêng âm lịch.
Xem thêm:
Tết Đoan Ngọ
Vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là tết Đoan Ngọ hay còn gọi là tết giết sâu bọ. Các món ăn phổ biến được dùng trong tết Đoan Ngọ như bánh gio, rượu nếp hoặc các loại quả đầu mùa như vải, mận.
Tết Rằm tháng bảy
Rằm tháng bảy là tết thường được tổ chức vào 15 tháng 7 âm lịch hàng năm và đây là một tết lớn thứ 2 trong năm. Mục đích của tết rằm tháng giêng là dịp cúng tổ tiên, bên cạnh đó còn cúng các vong hồn những người không ai thờ cúng để khỏi xúi quẩy và đem đến những điều không may mắn.
Với người dân tộc Tày tết rằm tháng 7 là dịp để các cặp vợ chồng cùng với con cái về thắp hương và về thăm bên ngoại (tiếng dân tộc gọi là Pây tái) và đem theo lễ vật như rượu, hai con vịt, bánh nếp, hoa quả…
Hy vọng những thông tin về lễ hội dân tộc Tày mà chúng tôi chia sẻ ở trên đã mang đến cho du khách hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Nếu có cơ hội hãy đến tận nơi để trải nghiệm thật thú vị khi khám phá văn hóa này nhé.