Tây Ninh được biết là vùng đất với nhiều điều độc đáo và khám phá với rất nhiều danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, những ngôi chùa, lễ hội cũng được nhắc đến rất nhiều. Cùng tìm hiểu nguồn gốc và những điều xung quanh lễ hội Yến Diêu Trì Cung qua bài viết dưới đây.
Lễ hội Yến Diêu Trì Cung là gì?
Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung là một trong hai ngày lễ lớn nhất của Cao Đài. Đại Lễ được Hội Thánh Cao Đài long trọng tổ chức duy nhất tại Báo Ân Từ – nội ô Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh ở thị trấn Hòa Thành, vào ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch.
Xem ngay: lễ hội gầu tào để biết thêm ý nghĩa của lễ hội này
Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào ngày Rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925) tại nhà của Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư ở Sài Gòn. Đức Chí Tôn dạy ba vị: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang làm tiệc chay đãi Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương. Tuy nhiên,theo truyền thống sau đó, Hội Yến Diêu Trì Cung trở thành lễ hội lớn nhất trong đạo Cao Đài và có sức lan toả thu hút đông đảo tín đồ và nhân dân.
Nguồn gốc Lễ hội Yến Diêu Trì Cung
Theo những tín đồ đạo Cao Đài thuật lại, nguồn gốc Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung bắt nguồn từ một sự tích như sau: “Nguyên vào Thượng tuần tháng Tám Âm lịch, năm Ất Sửu (1925), ba ông Cư, Tắc, Sang được Thất nương tiết lộ cho biết chút ít về Diêu Trì Cung trên thiên đình. Ở Diêu Trì Cung trên hết có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, dưới có Cửu vị Tiên nương”. Thất nương chính là vị thứ 7 – người đã trực tiếp nói chuyện với ba ông Cư, Tắc, Sang.
Ba ông liền xin Thất nương cho biết cách cầu Cửu Thiên Nương Nương. Thất Nương bảo ba ông muốn cầu Nương Nương thì phải trai giới trước ba ngày và tìm cho được Ngọc Cơ để cầu Lệnh bà.
Click ngay: giới thiệu trò chơi ô ăn quan để biết luật lệ của trò chơi
Ba ông đang suy nghĩ vì không biết tìm Ngọc Cơ ở đâu, nhưng hình như được tiên nhân mách bảo, ông Cư qua nhà một người bạn lối xóm là ông Phán Tý hỏi thăm. Ông Tý liền cho biết ông đang có một cây Ngọc Cơ, để ông lấy cho mượn. Ba ông mừng rỡ vô cùng, rồi chuẩn bị ăn chay để cầu Nương Nương vào ngày Rằm tháng Tám. Đêm đó, Đức Chí Tôn giáng trần, bảo ba ông làm tiệc chay để kính lễ Đức Phật Mẫu và Cửu Thiên Nương Nương.
Ông Cao Huệ Chương, con của Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, thuật lại trong quyển “Đại Đạo truy nguyên”, có đoạn như sau:
“Qua đến ngày thứ ba, là đúng ngày hẹn, lại nhằm tiết Trung thu, đúng đêm 14 rạng mặt Rằm tháng Tám, ngoài trời thì trăng thanh gió mát, trong nhà chú Tư tôi lại dọn dẹp trang hoàng, xem vào có vẻ tinh khiết lắm.
Đúng giờ Tý, thảy đều đủ mặt, tôi thấy chú Tư tôi, đã sắp đặt dọn bàn dài, rải bông lá xung quanh, phía trong bàn, ngay chính giữa, để một bộ đồ trà, còn Cửu vị Tiên nương, mỗi người một cái tách, sắp vòng theo bàn, hàng giữa dọn những trái cây tươi tốt, ngó vào thấy rất lịch sự, tựa hình như đãi tiệc, vì chung quanh có để 9 cái ghế mây. Lần cúng này, mấy ổng gọi là Phó Yến Diêu Trì, đến ngày nay, hãy còn noi dấu lễ kỷ niệm ấy.
Đoạn chú Tư tôi đốt hương đèn lên, cả thảy đều quì lạy khấn vái, rồi đem Ngọc Cơ ra cầu. Thật quả có Lệnh bà Cửu Thiên Nương Nương và đủ Cửu vị Tiên nương, mỗi vị đều giáng cơ, chào mừng mấy ổng. Khi ấy, Thất nương nói ba ổng đờn, rồi mỗi người ngâm bài thi của mình làm đặng hiến lễ, còn Lệnh Bà và Cửu vị Tiên nương an vị mà nghe.
Chừng nhập tiệc, Thất nương lại mời ba ổng ngồi chung vào cho vui. Cũng tội nghiệp cho mấy ổng, vì e thất lễ, nên không dám; rốt việc, ép uổng quá, mấy ổng liệu thế khó chối từ, mới đem ghế thêm, sắp sau lưng 9 cái ghế nọ, ba ổng xá rồi ngồi xuống. Tôi dòm thấy mấy ổng, cũng bắt trước cười, nhưng không dám nhích mép, cứ đứng khoanh tay mà hầu thôi.
Cách chừng nửa giờ, chú Tư tôi lại tái cầu. Lệnh Nương Nương và Cửu vị Tiên nương để lời cảm tạ chẳng cùng, lại hứa rằng: “Từ đây đã có Ngọc Cơ rồi thì tiện cho Diêu Trì Cung Cửu vị Tiên nương đến mà dạy việc thiện, giúp ích cho muôn dân”. Đêm ấy, mấy ổng thức cho đến 3 giờ khuya mới nghỉ”.
Ngay sau bữa tiệc đãi Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên nương lần đầu tiên ngày rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925) tại nhà ông Cao Quỳnh Cư, Lệnh bà và Cửu vị Tiên nương lần lượt giáng cơ để lời cám ơn ba ông, rồi mỗi vị cho một bài thi 4 câu để kỷ niệm.
Và từ đó rằm tháng Tám là thời điểm hơn trăm ngàn tín đồ Cao Đài từ các tỉnh thành và khách du lịch trong, ngoài nước đã tham dự đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung hàng năm tại Nội ô Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh.
Trên đây là nguồn gốc và những điều xung quanh lễ hội Yến Diêu Trì Cung. Hy vọng bài viết của chúng tôi đã mang đến cho bạn nhiều thông tin. Hãy thử một lần đến với lễ hội và cảm nhận nhé!