Lễ hội Dinh Cô Vũng Tàu là một lễ hội vô cùng nổi tiếng, được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm, thu hút du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến tham dự.
Lịch sử lễ hội Dinh Cô Vũng Tàu
Truyền thuyết kể lại rằng, có một cô gái tên là Lê Thị Hồng, quê quán ở Phan Rang. Cô là con gái duy nhất của ông Lê Văn Khương và bà Thạch Thị Hà. Cô hay theo cha vào vùng Bà Rịa và Gò Công buôn bán. Cô rất yêu cảnh mến người và không muốn rời xa vùng đất phía Nam này.
Trong một lần vào Nam buôn bán, khi thuyền còn neo đậu tại vùng Mù U (Long Hải), cô không muốn rời khỏi đất này nên đã xin cha ở lại đây sinh sống lâu dài, nhưng người cha kiên quyết không bằng lòng nên buộc cô phải trở về quê hương cùng ông. Khi thuyền bắt đầu nhổ neo, người cha tìm mãi không thấy cô đâu. Sau ba ngày không tìm thấy cô ông buồn bã quay về quê nhà.
Vài hôm sau, xác cô trôi dạt vào Hòn Hang, ngư dân Phước Hải chôn cất cô trên đồi cát gần nơi tìm thấy xác cô (đó là Mộ Cô bây giờ). Mộ của cô luôn được cát bồi đắp, cỏ không mọc được mà ngay bên cạnh một cây đa tươi tốt mọc nhanh như thổi che mát mộ Cô.
Sau một thời gian vùng này có dịch bệnh, có rất nhiều người bị đau và chết. Trong khi dịch bệnh đang hoành hành thì có người nằm mơ thấy Cô báo mộng về giúp dân làng vượt qua khỏi dịch khí. Dân làng thấy vậy liền thắp hương cầu khấn cô, quả nhiên dịch bệnh qua khỏi. Sau sự việc ấy, có người đã xin bà con xây am thờ phụng để mong Cô sẽ độ trì dân làng làm ăn phát đạt cuộc sống an lành.
Lễ hội Dinh Cô Vũng Tàu có gì đặc sắc?
Phần lễ của lễ hội Dinh Cô
Ngày chánh lễ của lễ hội Dinh Cô Vũng Tàu diễn ra vào 2 ngày mồng 10 – 12/2 âm lịch hằng năm. Trước đó sẽ diễn ra đêm hội hoa đăng trên biển. Du khách tham dự lễ hội sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh hàng trăm chiếc ghe thuyền lớn nhỏ được trang trí hoa đăng rực rỡ đậu bên bờ biển, hướng vào Dinh Cô, tạo nên một khung cảnh lung linh huyền ảo đẹp vô cùng.
Ngay từ sáng sớm của ngày chánh lễ tức 12 tháng 2 âm lịch, các ghe thuyền sẽ quay đầu hướng ra biển đễ làm lễ Nghinh Cô. Một chiếc ghe của người dân chài đi biển giỏi nhất sẽ được lựa chọn để dẫn đầu đoàn. Trên ghe được trang trí ngai, long vị cô cùng một số vị bô lão nằm trong ban nghi lễ mặc trang phục uy nghiêm cùng đội lân sư rồng. Trong tiếng trống rền vang cả vùng biển, đoàn ghe thuyền nối tiếp nhau ra khơi nhắm đến vùng biển nơi Cô đã tử nạn khi xưa.
Phần hội của lễ hội Dinh Cô
Xem thêm:
Lễ hội kéo dài trong khoảng ba ngày, suốt khoảng thời gian này, du khách sẽ có cơ hội được tham dự rất nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: thả đèn hoa đăng, đánh trống, đua thuyền,…
Trong ba ngày diễn ra lễ hội, Dinh Cô sẽ được trang hoàng lộng lẫy khiến bất cứ ai đặt chân đến cũng phải trầm trồ, ấn tượng. Tất cả các tàu thuyền của ngư phủ đều neo đậu ở bến và được trang trí bắt mắt. Người dân tin rằng nếu trang trí ghe càng đẹp thì càng tỏ lòng thành kính đối với Cô.
Một nghi thức khá quan trọng không thể thiếu lại lễ hội Dinh Cô Vũng Tàu đó là việc phóng sinh. Người dân sẽ mua những chú chim nhốt trong lồng sau đó tiến hành thả chim ra.
Trong lễ hội cũng sẽ có những đoàn văn nghệ biểu diễn hát bội, tuồng chèo, múa lân sư rồng. Du khách đến tham dự lễ hội cũng có thể trải nghiệm rất nhiều hoạt động vui chơi mang đậm tính dân gian như: đua thuyền, thi bắt cá,…